Lượt xem: 902

Nuôi dê nhốt chuồng, mô hình chuyển đổi vật nuôi thích ứng tốt với điều kiện biến đổi khí hậu

Trong vài năm trở lại đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã làm thay đổi điều kiện sản xuất nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi. Vì vậy, trong tiến trình thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, các cơ quan chuyên môn của tỉnh Sóc Trăng đã hướng đến việc đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, ưu tiên lựa chọn phát triển những vật nuôi có khả năng thích ứng tốt với biến đổi khí hậu, trong đó có mô hình nuôi dê. Đến nay, nghề chăn nuôi dê của tỉnh đã có sự phát triển lớn mạnh về tổng đàn, hình thức nuôi cũng có sự thay đổi linh hoạt, từng bước hình thành sinh kế ổn định cho người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là tại những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của điều kiện thời tiết bất lợi.

 


Mô hình nuôi dê nhốt chuồng

 

    Tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong mùa khô hằng năm, không chỉ đe dọa đến hàng nghìn ha cây ăn trái nằm dọc theo sông Hậu của huyện Cù Lao Dung mà còn gây trở ngại rất lớn đến lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm tại địa phương. Từ thực tế này, ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện đã khuyến khích bà con đa dạng hóa đối tượng vật nuôi mới, trong đó con dê là vật nuôi được nhiều hộ ưu tiên lựa chọn do mang nhiều đặc tính nổi trội, đặc biệt có thể chịu được độ mặn dưới 7‰. Ngoài ra, dê là loại vật dễ ăn, nên nông dân có thể tận dụng các phụ phế phẩm trong trồng trọt làm nguồn thức ăn bổ sung cho dê, giúp tiết giảm đáng kể chi phí sản xuất. Theo chia sẻ của nhiều hộ, giá thịt dê thương phẩm mặc dù vẫn còn nhiều biến động do ảnh hưởng của nhu cầu tiêu dùng, nhưng thời điểm giá giảm sâu, cũng sẽ giữ ở mức từ 80.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi vẫn còn lợi nhuận khá cao sau khi đã trừ chi phí. Ông Nguyễn Văn Bé ở ấp Đoàn Văn Tố, xã Đại Ân 1, huyện Cù Lao Dung chia sẻ: “Vợ chồng tôi nuôi khoảng 30 con dê cái, mỗi năm như vậy nó sinh sản 1 lần, tương đương 60 con, hao hụt khoảng 10% thì mình còn khoảng 50 con. Giờ cho giá thấp nhất là 80.000 đồng/kg thì 1 con cũng lời khoảng 2.400.000 đồng, trung bình 50 con được trên 100 triệu. Từ khi nuôi dê thấy điều kiện sinh hoạt, chi tiêu thoải mái hơn”.

    Tại huyện Long Phú, mô hình chăn nuôi dê cũng bắt đầu phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây. Thay vì nuôi dê thả lan, nhiều hộ có sự đầu tư kỹ lưỡng hơn về mặt chuồng trại, phát triển chăn nuôi dê theo hướng nuôi nhốt trên nhà sàn. Hình thức chăn nuôi này giúp đàn dê hạn chế được rủi ro dịch bệnh khi sinh trưởng và phát triển trong điều kiện môi trường đảm bảo vệ sinh. Quá trình vệ sinh, chăm sóc đàn dê cũng thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, lượng phân bón thu được trong quá trình chăn nuôi còn được nhiều bà con tận dụng để phục vụ cho việc sản xuất cây trồng nên tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư cho sản xuất. Dê được nuôi dưỡng trong vòng 9 tháng sẽ được xuất chuồng với trọng lượng mỗi con đạt gần 30 kg. Thời gian từ nuôi đến khi xuất bán mặc dù tương đương hoặc kéo dài hơn với các đối tượng vật nuôi khác nhưng sau khi trừ chi phí, vẫn đảm bảo lợi nhuận tương đối cao. Từ hiệu quả kinh tế mang lại, các biện pháp vệ sinh chuồng trại hay phòng ngừa bệnh trên đàn dê được người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt để đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Ông Trần Huệ Chi ở ấp Phú Thứ, xã Phú Hữu, huyện Long Phú cho biết thêm: “Khi dê vừa đẻ xong thì chích ngừa tụ huyết trùng, lúc dê con lớn lên thì bồi dưỡng thêm thức ăn. Vì dê con khi muốn vỗ béo phải bổ sung thức ăn thêm, khoảng 85% cỏ và 15% thức ăn thì con dê mới mau lớn. Ngoài ra cứ 2 tuần vệ sinh chuồng trại một lần, phân thì dọn mỗi tuần một lần. Cứ cách 2 tuần xịt khử trùng chuồng trại 1 lần”.

    Thực tế phát triển chăn nuôi tại tỉnh trong những năm gần đây cũng cho thấy, phát triển đàn dê ở vùng nước lợ mang đến nhiều ưu thế hơn so với phát triển đàn trâu, bò. Tính đến nay, tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh đã phát triển gần 10.000 con. Mặc dù có khả năng chống chịu tốt với điều tiết thời tiết khắc nghiệt, nhưng để đạt hiệu quả sản xuất như mong muốn, hộ nuôi cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề chọn giống, công tác vệ sinh chuồng trại cũng như phòng bệnh trên đàn vật nuôi. Đồng chí Nguyễn Văn Mười Hai - Phó trưởng Phòng Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Bà con cần lưu ý lựa chọn mua giống tại những cơ sở có uy tín, đảm bảo giống tốt, an toàn dịch bệnh. Dê mới mua về cần được cách ly từ 30 - 40 ngày trước khi nhốt chuồng. Chuồng nuôi phải được vệ sinh sạch sẽ và tiêu độc sát trùng định kỳ, nhằm tiêu diệt mầm bệnh. Bên cạnh đó, thức ăn là yếu tố quan trọng quyết định đến tốc độ sinh trưởng của đàn dê, đặc biệt là nuôi dê nhốt chuồng, nguồn thức ăn cho chúng phải đảm bảo đầy đủ thức ăn thô xanh, thức ăn tinh, thức ăn bổ sung và thức ăn hỗn hợp. Phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch tiêm phòng vaccine cho đàn dê theo chỉ dẫn của cơ quan thú y. Mỗi năm phải tiêm 2 lần, mỗi lần cách nhau 6 tháng...”

    Cùng với những ưu điểm nổi trội về đặc tính, như: Dễ nuôi, sức đề kháng tốt, có khả năng thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu... nếu thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo, nghề chăn nuôi dê nhiều khả năng sẽ còn phát triển mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh; góp phần đa dạng hóa đối tượng vật nuôi, hình thành thêm sinh kế ổn định cho người dân khu vực nông thôn.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 43
  • Hôm nay: 8108
  • Trong tuần: 78,815
  • Tất cả: 11,802,135